WordPress ngày càng trở nên phổ biến hơn trên internet. Đây cũng chính là nền tảng đang chiếm đến hơn 1/4 tổng số blog/ website trên toàn thế giới. Với các nhà cung cấp hosting, WordPress thực sự là một miếng bánh béo bở nếu biết cách khai thác. Do đó, ngày càng nhiều dịch vụ WordPress Hosting nối đuôi nhau ra đời. Giữa vô vàn các nhà cung cấp, làm thế nào để chọn được cho mình một hosting chất lượng với mức giá hợp lý và phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn?
Dưới đây là một số kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy được sau một thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực WordPress và hosting. Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này, hãy dành ít phút để xem qua nhé.
Lựa chọn vị trí đặt server
Trước hết, các bạn cần phải xác định nguồn truy cập blog/ website của mình sẽ chủ yếu đến từ đâu để lựa chọn vị trí đặt server cho phù hợp. Nếu khách truy cập của bạn chủ yếu là từ Việt Nam, bạn nên lựa chọn các dịch vụ hosting có server đặt tại Việt Nam hoặc các quốc gia lân cận như Singapore, Hong Kong hoặc xa nhất là Mỹ để đảm bảo tốc độ truy cập nhanh nhất. Tất nhiên, khoảng cách về địa lý hoàn toàn có thể bị lấp đầy bởi các dịch vụ CDN, chẳng hạn như CloudFlare (miễn phí). Hãy luôn nhớ, tốc độ truy cập và trải nghiệm của người dùng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thứ hạng blog/ website của bạn trên bảng kết quả tìm kiếm.
Google đã khẳng định rằng vị trí đặt server hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến SEO, miễn là nó mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng của bạn. Có nghĩa là chỉ cần người dùng của bạn truy cập vào blog/ website với tốc độ nhanh nhất là đủ. Vậy nên, đừng vội tin lời mấy blogger hay affiliator chuyên viết bài “tâng bốc” host giá rẻ nhằm mục đích kiếm tiền với tiếp thị liên kết mà vội vàng lựa chọn những nhà cung cấp hosting có server location ở tận bên Mỹ hay châu Âu nhưng chất lượng lại không thực sự tốt như quảng cáo. Bạn sẽ phải hối hận rất nhiều đấy.
Yêu cầu tối thiểu khi mua hosting dành cho WordPress
Hầu hết các dịch vụ hosting có nền tảng Linux hiện nay đều có thể đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu để vận hành một blog/ website WordPress. Nếu bạn chưa biết rõ các tiêu chuẩn đó là gì, hãy tham khảo bài viết “Tiêu chuẩn của một hosting dành cho WordPress“.
Tuy nhiên, có một vài lưu ý nhỏ nhưng không kém phần quan trọng:
- Bạn nên chọn các dịch vụ hosting có hỗ trợ PHP 7. Đây là phiên bản PHP mới nhất và có hiệu năng tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Sử dụng PHP 7.x sẽ giúp tăng tốc độ xử lý và khả năng chịu tải của blog/ website lên rất nhiều so với PHP 5.x. Ngoài ra, PHP 7.x cũng đã vá nhiều lỗ hổng bảo mật còn tồn tại trên các phiên bản cũ hơn. WordPress hiện tại đã khuyến cáo sử dụng PHP lên đến phiên bản 7.2.
- Tính năng cho phép tự thay đổi phiên bản PHP và chỉnh sửa các thông số của PHP cũng rất quan trọng giúp bạn kiểm soát PHP một cách dễ dàng cho các mục đích sử dụng khác nhau.
- Ngoài ra, cũng cần kiểm tra xem host có hỗ trợ Mod Security, tường lửa và hệ thống quét mã độc hay không (ví dụ như Imunify360 hay ClamAV chẳng hạn)? Đây là những tính năng bảo mật khá quan trọng giúp đảm bảo an toàn cho blog/ website của bạn.
Và tất nhiên, đừng quên kiểm tra các thông số khác của cPanel nhé.
Addon domain có thực sự quan trọng?
Chắc hẳn nhiều bạn đã nghĩ hosting càng cho phép nhiều addon domain thì càng tốt phải không nào? Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể chạy cùng lúc nhiều site trên một host, giúp tiết kiệm chi phí. Đúng, nhưng chưa đủ. Bởi vì khi bạn add thêm domain, tài nguyên của host không được mở rộng thêm. Việc này sẽ dẫn đến tốc độ truy cập và khả năng chịu tải của mỗi site nằm trên host đó bị giảm xuống do nó phải chia sẻ tài nguyên cho các “thành viên” khác. Bởi vì RAM, CPU, I/O, IOPS… là những thông số bị giới hạn.
Nếu bạn có nhiều site (web vệ tinh chẳng hạn) nhưng sử dụng ít tài nguyên, bạn nên lựa chọn giải pháp mua nhiều gói host nhỏ thay vì dồn tất cả chúng vào một gói host lớn. Khi đó, mỗi site sẽ nằm trên một host khác nhau (IP khác nhau, tốt cho SEO) và khi 1 host xảy ra vấn đề, những site nằm trên host khác nhiều khả năng sẽ không bị ảnh hưởng.
Một số yêu cầu nâng cao
Đây là những yêu cầu “cao cấp” mà người dùng có thể “đòi hỏi” khi bỏ tiền mua hosting dành cho WordPress với mức giá cao:
- Ổ cứng SSD: giúp tốc độ đọc – ghi dữ liệu cao hơn, phản hồi của blog/ website cũng nhanh hơn, giảm độ trễ xuống mức thấp nhất.
- Hệ điều hành CloudLinux: đây có thể xem là hệ điều hành tốt nhất ở thời điểm hiện tại dành cho các máy chủ web, khả năng bảo mật và hiệu suất hoạt động vượt trội hơn so với CentOS hay Ubuntu. Tất nhiên, nó là hệ điều hành trả phí nên không phải nhà cung cấp nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để trang bị cho máy chủ của mình.
- Web server LiteSpeed: tương tự như CloudLinux, LiteSpeed là một web service trả phí. Và dĩ nhiên, nó có hiệu năng tốt hơn hẳn những web service miễn phí như Apache hay NginX.
- IP riêng (Dedicated IP): lợi ích của IP riêng chắc nhiều bạn ở đây đã biết. Mặc dù nó không thực sự quá cần thiết nhưng nếu có thì vẫn tốt hơn. Tham khảo thêm: Tại sao bạn nên sử dụng host có IP riêng?
- Dịch vụ backup tự động hàng ngày hoặc ít nhất là hàng tuần: điều này sẽ đảm bảo blog/ website của bạn luôn ở trạng thái an toàn mà không cần cài thêm các plugin hỗ trợ backup khác (gây tốn tài nguyên). Khi không may xảy ra vấn đề (lỗi mã nguồn hoặc bị hacker tấn công), các bạn chỉ việc vào cPanel và restore dữ liệu là được. Và tất nhiên, để làm được điều đó, cPanel của bạn phải hỗ trợ tính năng cho phép người dùng tự restore dữ liệu, chẳng hạn như R1Soft Backup hoặc JetBackup.
- Cache services: các dịch vụ cache dữ liệu của server sẽ giúp host của bạn phản hồi nhanh hơn và tăng khả năng chịu tải. Những dịch vụ cache phổ biến bao gồm LiteSpeed Cache, NginX Cache, Memcached, Redis Cache…